Du Đấu Sầm Sơn

Xứ Thanh được biết đến qua nhiều câu ca dao, tục ngữ, những câu vè ví von vui để đời. Thanh Hoá không chỉ được biết vì đặc sản “ Nem chua” nổi tiếng mà còn ôm trọn vào lòng mình một nét đẹp thanh tao của biển – Sầm Sơn là một trong những bãi biển đẹp của vùng Trung du bắc bộ, hàng năm vào mỗi dịp hè, Sầm Sơn giang rộng vòng tay đón hàng trăm hàng ngàn lượt du khách thập phương về với thiên nhiên.

Cung đường cuối đi thẳng ra biển với hai hàng bạch đàn thẳng tắp, gió reo vui mơn man trên từng ngọn lá, thơ mộng và ngọt ngào Thoang thoảng đâu đây đã cảm nhận được vị chan chát của biển.

Đập vào mắt chúng tôi khi bước chân lên vùng cát mịn màn là…dẫy người đen kịt, đông kinh khủng nhưng không bẩn như ai đó đã nói. Bãi biển đẹp, trải dài miên man trong làn nước xanh lững lờ.

Nhìn biển mê là vậy nhưng “nhiệm vụ vẫn là trên hết”, các vận động viên vẫn phải tranh thủ nghỉ ngơi, lấy sức chuẩn bị cho trận đấu giao hữu trong vài giờ nữa. Tinh thần thi đấu được lên dây cót.

Giờ G đã điểm, tất cả lên đường mang theo một niềm tin. Gặp đội bạn, trao nhau những cái bắt tay, nhưng nụ cười thân thiện, chân thành trong lối chơi. Thắng thua là một chuyện, quan trọng là được biết thêm những người bạn, những người cùng chung đam mê đường lăn trái bóng.

Trận đấu đã bắt đầu, vẫn đấy một TLFC, vẫn đấy một phong cách rất Hà Nội, nhanh, gọn nhưng cũng rất lãng tử và hào hoa.

Dù toàn đội đã cố gắng để có một chiến thắng hay một trận hoà nhưng có lẻ tuổi tác đã không cho phép họ đạt được điều mong mỏi ấy. Đội bạn có dàn cầu thủ trẻ dồi dào sức lực, mơn mởn sức sống, cũng một phần kỹ thuật đá tốt hơn, đồng thời đó cũng là chủ nhà nên đối phương có lợi thế quen sân đã kết hợp tốt đội hình chiến thuật.

Trận đấu đã dừng lại với tỷ số 2-4 nghiêng về đội bạn. Hai bàn thắng ấy đã là sự cố gắng lớn từ cả đội và có lẻ đó cũng là những bàn thắng đẹp mà Paul để lại nhằm tri ân những ân tình mà Paul đã nhận được từ anh em Thăng Long FC (Nói đến nhân vật đặc biệt này, có lẻ tôi xin được có một bài viết riêng về tinh thần đẹp với những nghĩa cử cao thượng của anh em Thăng Long FC. Nội dung bài này tôi không thể diễn đạt hết cảm xúc của mình dành cho những hành động nhân ái ấy)

Vẫn niềm vui ngời trên khuôn mặt “trẻ”, họ trở về với biển như muốn giũ bỏ bao mệt nhọc và một chút buồn vu vơ khi đội không có một trận thắng đẹp. Nhưng không sao, tỷ số có thể đó chỉ là con số nhưng chắc chắc một điều họ đã thắng về tinh thần, về tình yêu bóng đá, về tình yêu đồng đội. Chính trái bóng đã gắn kết họ lại với nhau để yêu thương, để chia sẻ.

Đùa vui với bóng trên bãi biển, đuổi bắt nhau trong tiếng cười râm ran, khác hẳn những lúc họ ở trên sân đấu. Trong lòng họ giờ đây có lẻ không còn khoảng cách, tắt hẳn những bon chen ở đời. Nụ cười của họ như làm bừng sáng, nô nức thêm trên không gian biển. Trong lúc này đây họ như tạm quên đi cuộc vật lộn mưu sinh, những bộn bề công việc để có một khoảng lặng cho tinh thần, cho gia đình, cho riêng mình. Và họ cho tâm hồn bình yên để nhìn lại.

Lớp lớp những con sóng chỉ là những dữ dội mang dáng vẻ bình yên, dưới những lớp sóng ấy lại bình yên mang nhiều trắc ẩn và hiểm nguy. Có thể họ cũng vậy, nhưng về đây như tạm quên đi những ôn ào của cuộc sống, xối xả của dòng chảy cuộc đời mà tìm đến sự yên tĩnh để thanh lọc tâm hồn, để mặc cho tâm thức rơi tỏm vào cõi hư vô.

Trời tối dần, vậy mà không ai muốn rời biển, ôm cát vào lòng họ quay cuồng với nhau trong những điệu nhảy “tự chế”, cười như nắc nẻ khi ai đó làm những động tác không giống ai.

Rồi cũng thấm mệt, mỗi người tìm cho mình một chỗ ngã lưng trên cát. Người thì tìm lại sức bằng tẩm quất dạo, đấm bóp thuê, người thì tăng cường nạp năng lượng sau khi đùa giỡn với sóng biển. Bữa tối diễn ra ngay dưới chân các con sóng, các món cứ thế gọi, gọi lại hết, hết lại gọi, vậy mà cuối ngày vẫn còn trơ lại đống bát đĩa “ không còn dấu hiệu của thức ăn” – một tinh thần ĂN – CHƠI đúng nghĩa.

Mệt vì no, họ nằm vật ra, ngửa mặt lên bầu trời trong veo đầy sao. Câu bạn người Tây Ban Nha phải thốt lên rằng “ thật là ngac nhiên trước vẻ đẹp của Việt Nam. Ở Thành phố không thể nhìn thấy những ngôi sao và bầu trời như thế này, chỉ có ở đây thôi, không ánh điện đường, không chat chúa những tiếng va chạm ken két.”

Chợt thấy tâm hồn thanh tịnh đến lạ. Gió về mang theo làn hơi mỏng manh của biển, càng làm vẻ thơ mộng thêm những bước dài vô định. Thoải mái quá, lòng nhẹ tênh đến khó tả. Không nơi nào có thể làm cho con người sống thật với mình như đứng trước thiên nhiên, như thể hoà nhập và tan biến mình vào trong không gian ấy.

Riêng mình, tôi cảm giác giận những ai nghĩ quẩn đã làm cho cuộc đời họ ngắn bớt đi. Tôi thấy yêu đời biết bao, cuộc sống tươi đẹp biết nhường nào, vậy tại sao họ lại huỷ hoại nó? Ta sống để yêu đời, để có gia đình mà hướng về, để có tình bạn mà hy sinh, để có điều ta ước ao, mãn nguyện.

Tôi hướng mắt về gia đình có con nhỏ duy nhất trong đoàn. Người mẹ tất tả với con khi lo trông, chạy theo những bước chân nhỏ nhắn ấy vì con cũng ham bóng như bố nên mải miết chạy theo quả bóng nhựa trên cát. Nhưng chị ấy ko vắng nụ cười, đó là hạnh phúc, đó là tình yêu lớn lao dành cho gia đình. Thỉnh thoảng chị lại hướng mắt về phía chồng để tìm sự ấm áp, nâng niu. Họ chạm mắt nhau, nhanh, thoáng trong một giây thôi nhưng cũng đủ hiểu những giây phút này thật hạnh phúc biết bao. Anh cười vang như xoá tan sự ngượng ngùng của ai đó bắt gặp ánh mắt ấy nhưng khuôn mặt hồng lên rạng rỡ. Hạnh phúc là vậy đấy, mãn nguyện và yêu thương, một gia sản lớn không gì có thể đánh đổi.

Cũng thả hồn vào một góc, tôi lặng lẻ nhìn ra biển đêm. Xa xa trùng điệp những ánh đèn đêm của tàu đánh cá như hình thành nên một thành phố lung linh cuối chân trời. Cuộc sống mưu sinh chồng chành với con nước, vất vả những bước chân nặng nề trên cát của những ghánh hàng rong. Vậy mà con người vẫn thật thà, dễ thương. Tôi tự hỏi, tại sao ai đó lại nói những con người nghèo khổ này lừa lọc, ranh ma nhỉ? Họ buôn bán với những sản phẩm được làm ra từ sức lao động chân chính của mình, tất nhiên ai cũng muốn bán được nhiều tiền, muốn hàng của mình không bị ế. Thuận mua vừa bán, các cuộc ngã giá bắt đầu, sòng phẳng trong phiên chợ,. Được giá, họ vui vẻ, nhiệt tình trong “ phục vụ”. Nếu người mua nhờ vả, họ lại nhận lời rồi tất tả chạy, quần ống thấp ống cao, đôi chân trần miệt mài với cát.

Bao nhiêu e dè trong tôi tan biến khi thực sự trông thấy sự hiền lành của con người nơi này, tôi khá giật mình khi đem ra so sánh với những lời nhận xét về Sầm Sơn. Mới nghe thôi nhưng đã thấy “ khủng hoảng” tinh thần, không dám mua bán, không dám tiếp xúc, thậm chí còn không dám cả nói chuyện với người địa phương. Tất cả thật là nửa vời, phiến diện. Ngay sau lưng chúng tôi đang ngồi có nhà hàng của anh chị Liên – Hải ( Biển Nhớ quán ,bãi tắm D ), dù không mua hàng của anh chị ấy lúc đầu nhưng vào nhờ vả gì cũng rất nhiệt tình. Đến khi chúng tôi gọi món ăn, anh chị bảo phải chờ lâu một chút, tôi nói tôi có thể giúp một tay không, anh chị ấy cười rất tươi và bảo “ cứ tự nhiên”, thế là tôi cũng lao vào …tự phục vụ mình, vừa làm vừa tranh thủ nói chuyện với bếp trưởng dễ thương, hiền lành (nếu ít còn bảo cho thêm được cơ đấy, thấy có lợi chưa 😀 ), rồi quay sang nói chuyện với anh chị, dù bận túi bụi vì khách đông nhưng vẫn vui vẻ huyên thuyên cùng khách, mệt mỏi nhưng luôn tươi cười. Khi ăn xong mới hỏi giá để thanh toán ( thực ra là quên làm giá trước ) vậy mà giá cả vẫn rất phải chăng, không hét lên cao ngất ngưởng như mình hình dung (may quá trời). Nói là nói vui vậy thôi, nhưng khi nhìn hoá đơn thanh toán cho các bàn khác, giá cả cũng vậy, rất hợp lý.

Rồi ngày hôm sau do mải chơi, không ai muốn về khách sạn làm thủ tục trả phòng cả, chậc lưỡi “thôi kê, thêm một ít nữa cũng được nhưng không bị gián đoạn sự sung sướng đang lan toả”. Vậy mà khi về làm thủ tục trả phòng để quay lại Hà Nội, chúng tôi được chị chủ “ free” cho việc “overtime” của tất cả các phòng.

Lại một bất ngờ nữa về người dân xứ biển này. Ai nói họ không “ chơi đẹp”? Ai nói người xa đến phải đề phòng người bản xứ? Trong bao la đất trời của biển và người, vẫn có những điều tốt đẹp xung quanh chứ. Chính những điều tận mắt chứng kiến đã giúp chúng tôi có cái nhìn thân thiện và yêu mến người dân xứ Thanh rất nhiều.

Trên chuyến xe trở về, vẫn còn nhiều cái nhìn lưu luyến với phố biển. Thế mà quay sang góc khác đã thấy bác Bình già khò từ lúc nào. Xe dừng lại mua quà cho người thân, bác ấy vẫn ngủ. Khi mọi người lên, bác ấy đánh chén liền tù tì năm (05) chiếc bánh gai rồi…ngủ tiếp. Anh em trêu, tại bác ấy vui quá nên phá sức, giờ mới mệt thế đấy.

Đúng thật, dù ở đâu, làm gì cho đội bóng bác ấy đều sống rất chân tình, hết mình với đồng đội nên không lạ khi bác ấy mệt nhoài như vậy.

Có lẽ niềm vui vẫn thật sự không trọn vẹn khi cũng chuyến du đấu này cũng là chuyến thi đấu chia tay đồng đội của Paul – một thành viên đến bất ngờ và cũng ra đi bất ngờ. Dù ở lại với đội không lâu nhưng Paul đã nhận được từ anh em TLFC những tình cảm mà có lẻ suốt hơn 30 năm qua trong cuộc đời anh ấy chưa từng nhận được từ những người không huyết thống, không cùng màu da, không chung ngôn ngữ.

Xe dừng lại để chia tay, đôi mắt Paul buồn lặng lẽ. Anh em đóng góp cho anh ấy để lên đường tìm may mắn cho cuộc đời mình. Những cái ôm ghì thiết tha lời tạm biệt, những câu chúc suôn sẻ cho chặng đường phía trước.

Mỗi người rồi cũng về mỗi ngã, cái dáng bé nhỏ ấy như ngơ ngác giữa thị thành xa lạ. Đôi mắt như ngấn lệ, không biết liệu rồi tương lai của mình có tươi sáng hơn? Đi đâu và về đâu trong cái thế giới rộng lớn, thênh thang này!!! Tôi vội quay đi để không nhìn thấy gương mặt cứ ngơ ngác ấy, sợ mình dễ xúc động. Tôi im lặng nghe tiếng thở dài của người bạn đời “tội nghiệp cậu ấy quá, tương lai tối tăm, bốn bề là biển không biết có việc gì cho cậu ấy? Rồi cậu ấy sẽ sống ra sao? Biết thế lúc nãy mình cho thêm cậu ấy một ít nữa phòng có chuyện gì xảy ra còn có mà phòng thân. Mình ở đây mình còn kiếm lại được chứ nơi đất khách quê người cậu ấy sẽ làm sao?!!!

Chúng ta chung một lời nguyện cầu, mong cuộc sống mãi bình yên và cầu mong ở bất cứ nơi nào ta đi đến đều gặp được may mắn trong cuộc đời. Tình người vẫn gắn kết chúng ta với nhau, tình yêu nhân loại vẫn là tiếng nói chung của muôn đời.

Tường Vy, 6/2009

Start a Conversation

Your email address will not be published. Required fields are marked *